THẦN, NGƯỜI VÀ ĐẤT VIỆT

“Vật chất không tự sinh ra và mất đi, mà chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác”

Các vị thần và truyền thuyết cũng vậy.

Đó có thể là tóm lược đơn giản nhất về Tác phẩm Thần, Người và Đất Việt của Tạ Chí Đại Trường – một trong những nhà nghiên cứu sử học mà mình thích nhất.

Khi con người gán cho những cọc đá mang hình dáng Linga thành bãi cọc buộc ngựa của Thánh Gióng chúng ta hiểu rằng một truyền thuyết mới ra đời được hợp lý hoá dựa trên nền của một tàn tích cũ.

Rồi phải chăng Cao Lỗ từ vị thần bảo trợ cho ông vua của một bộ lạc, dưới ảnh hưởng của Nho giáo hàng trăm năm sau biến thành vị thần tướng cho vị Thục Phán Thiên tử – con trời để phù hợp với lý thuyết nền tảng của triều đại mới.

Tạ Chí Đại Trường dẫn chúng ta đi từ sự bắt đầu của các nhiên thần – thần thiên nhiên, qua các vị nhân thần sơ khai được con người tạo dựng đến sự va chạm của các luồng tư tưởng, nền văn hoá góp phần tạo nên những tín ngưỡng “mới mà cũ” của người dân Việt Nam.

Thần linh ảnh hưởng đến trật tự xã hội, và con người cũng xây dựng nên những thần linh phù hợp với mong ước cũng như sự vận hành nơi thế tục. Người Chăm được các vua Lý, Trần đưa về từ phương nam sau đó mang cả thần linh của họ ra phương Bắc và cuối cùng được biến đổi để phù hợp với văn hoá sở tại. Thiên Y A Na hoá hình thành bà Liễu Hạnh, Pô Yan Dari chính là Bà Banh hưởng nhang khói của con dân Đại Việt cho đến khi triều Nguyễn cấm đoán.

Mình còn nhớ trong cuốn ngẫu hứng của Trần Tiến, ông nói rằng nhà mình ai cũng tướng cao lớn là do gốc gác người Chàm nay đã thành người Hà Nội.

Thần, người và đất Việt

Khi càng cố đi sâu vào lịch sử, các đốm lửa soi rọi quá khứ dần dần lụi tàn, chúng ta mơ hồ nhận thấy các sự tương đồng trong những câu chuyện Mị Châu – Trọng Thuỷ hay Cảo Lang – Nhã Nương phản ánh cách giải thích các sự kiện, các câu chuyện được trao đổi, mượn hình đổi dạng trong một ngữ cảnh mới để hợp lý các điển tích và thần linh của nhân dân.

Tạ Chí Đại Trường luôn là người thích đặt ra các giả định rất táo bạo nhưng hợp lý: Triệu Quang Phục là một nhân vật thần thoại, hiển linh từ tục thờ các nhiên thần sông nước của người dân và sau đó được khoác một tấm áo con đại thần Triệu Túc để đi vào lịch sử như vị Dạ Trạch Vương lừng lẫy.

Thần linh vừa xa vừa gần, các vị vua của các triều đại hiểu rằng, nền độc lập cần sự ủng hộ của dân chúng và cần có ý thức hệ để nối kết con người, vượt trên thói quen trung thành truyền thống với từng lãnh tụ địa phương. Đinh Bộ Lĩnh nhờ tăng nhân, Lí Trần thì tự mình lãm lãnh tụ tông phái để thu quyền uy thế tục và siêu linh vào tay. Từ đó chúng ta có các vị Phật hoàng với những thiền môn Thảo Trúc, Trúc Lâm.

Hay hệ thống Hùng Vương đã được đi từ huyền sử vào lịch sử để tạo nên một cội rễ lâu bền cho người dân nước Việt. Từ đó các nhiên thần được hoá hình, hoá dạng thành những vợ con, chiến tướng của các đời vua Hùng, danh chính ngôn thuận nhận hương khói đời đời từ những triều đại sau.

Hay thậm chí các chúa Nguyễn sau này vào miền Nam lập nghiệp cũng tiếp nhận văn hoá Khơme, nơi các Vua cũng chính là thần linh nơi trần thế (Devarāja) – được các thuộc ha xưng là Thiên Vương.

Không chỉ có sự va chạm và giao thoa văn hoá với người Chăm mà những kẻ Minh Hương hay di dân Nam Trung Hoa đi tìm vùng đất an cư mới đã mang theo những vị thần của họ. Họ thờ Quan Đế là một hình tượng nhân vật trung nghĩa, uy dũng và hoá thần sau khi qua đời được rút ra từ tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung hơn là Tam quốc chí lịch sử của Trần Thọ. Nhưng lại được nhà Nguyễn chấp nhận khi nó gần gũi và thân thuộc hơn Võ Khúc Tinh Quân xa xôi mờ ảo nào đó của Đạo giáo.

Một cuốn sách khác của Tạ Chí Đại Trường

Tạ Chí Đại Trường kì công đi vào phân tích cả những thay đổi và các tôn giáo mới xuất hiện trong thời kì cận đại khi có thêm sự can thiệp của thực dân Pháp vào mảnh đất hình chữ S. Những Bửu Sơn Kì Hương, Phật Giáo Hoà Hảo hay Đạo Cao Đài phảng phất đâu đó có bóng hình của Thiên Địa Hội khi luôn có mục tiêu “phục quốc” thông qua một tôn giáo quá sức thân thuộc với người dân Việt – Phật giáo. Tứ ân là nền tảng, căn bản mấu chốt của người tu trong đó có Ân Đất nước.

Tín đồ phật giáo Đại Thừa quen thuộc với 3 vị phật: Phật Di Đà của quá khứ, Thích Ca của hiện tại và Di Lặc của tương lai. Bạch Liên Giáo đề ra nhiệm vụ cho ông Di Lặc, còn Thiên Địa Hội tin vào một bậc Minh Vương…

Qua các phân tích của Tạ Chí Đại Trường, chúng ta có thể thấy nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân là không thể xoá bỏ. Dù là bên thắng trận tại xứ Chàm, Đại Việt vẫn phải vỗ về thần linh cuả những kẻ bại trận, dù có thời bị cấm đoán những những nghi thức tâm linh về hầu đồng, thờ mẫu… vẫn âm thầm duy trì rồi lại bùng lên khi được xoá bỏ rào cản.

Hay các lễ tế theo nghi thức tín ngưỡng phồn thực của cư dân Đại Việt vẫn tìm cách tồn tại “núp bóng” dưới các nhân vật có dáng dấp lịch sử, đủ uy thế để che chở cho những thứ tế lễ bị coi là “tầm thường, mê tín dị đoan”.

Bằng những nghiên cứu về các sử liệu, truyền kì, ngôn ngữ học, so sánh với các bằng chứng khảo cổ, Tạ Chí Đại Trường phần nào đã phân tích hành trình tôn giáo của của cư dân Việt qua các thời kỳ. Và sau cùng đúng như ông kết luận: “Chúng ta có thể biến đổi nhưng không thể huỷ diệt thần linh”.

Các bạn có thể cùng thảo luận thêm tại Fanpage nhé